DU HỌC Á – ÂU TRAO YÊU THƯƠNG – TRỌN NGHĨA TÌNH

DU HỌC Á – ÂU TRAO YÊU THƯƠNG – TRỌN NGHĨA TÌNH

Con nói con mong muốn có gấu bông nhỏ để ôm trên tay, chúng tôi đã tức tốc chuẩn bị rồi chạy đến mái ấm trao tặng con, và hôm sau nghẹn ngào khi nghe tin con đã mất” – Chị Nguyệt Linh (SN 1982, quê Tiền Giang) chia sẻ.

Đã hơn 6 năm trôi qua, kể từ khi con gái qua đời sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, chị Nguyệt Linh ngụ tại số 17/1, đường 10, phường Trường Thọ (TP Thủ Đức, TP.HCM) vẫn ngày đêm miệt mài nấu những suất cơm 0 đồng nóng hổi, dành tặng cho các em nhỏ đang chịu đau đớn vì căn bệnh hiểm nghèo. Đây cũng như món quà động viên mà chị Linh và người con đã mất của mình dành cho những bệnh nhân mắc ung thư.

Nhìn những cháu bé phải quằn quại giành giật sự sống trước căn bệnh quái ác, trái tim người mẹ không khỏi xúc động, hình ảnh trước mắt dường như làm sống dậy những khoảnh khắc chị bên con gái lúc cuối đời “Sau khi ăn cơm từ thiện trong bệnh viện, con gái nói với mẹ rằng: Nếu sau này khỏi bệnh sẽ cùng tôi nấu những phần cơm ngon tặng các bệnh nhân ung thư giống mình.” Chị Linh nấc tiếng nghẹn ngào.

Đời người ngắn ngủi lắm ai ơi, nhìn những đứa trẻ lên 4, lên 7 nhưng lại mắc phải căn bệnh ung thư quái ác, ta mới thấy được đời người sao mà ngắn đến lạ. Gặp con hôm qua vẫn còn cười nói, vậy mà hôm nay con ra đi mãi mãi. Phải chăng mẹ vũ trụ cũng đã cảm động trước sự cố gắng chống lại cơn bạo bệnh hành hạ cả tinh thần lẫn thể xác của con mà dang rộng vòng tay đón con về miền an yên.

Người mẹ Nguyệt Linh sống tại số 17/1, đường 10, phường Trường Thọ (TP Thủ Đức, TP.HCM) với tình yêu thương cao cả đã dành phần còn lại của cuộc đời để được ở bên, chăm sóc và trao tặng những phần cơm thiện nguyện đến các bệnh nhân đang bị ung thư.

Bếp 0 đồng của chị đã hoạt động được hơn 6 năm, mỗi tuần sẽ “đỏ lửa” 3 ngày, mỗi ngày nấu khoảng 500 suất. Các suất ăn này được trao tận tay người nhà và những em nhỏ đang chịu đau đớn vì căn bệnh hiểm nghèo.

Tuy giá trị vật chất của những suất ăn không lớn nhưng với chị Linh, mỗi lần nhìn thấy ánh mắt lấp lánh của những bệnh nhi đang giành giật sự sống từ căn bệnh quái ác là trong lòng lại dâng lên cảm xúc khó tả. Với chị, nhìn thấy các bé như được gặp lại con gái mình. Vì hiểu được thời gian của các cháu nhỏ không còn nhiều nên chị Linh quyết gắn bó với công tác thiện nguyện. Mỗi bữa cơm trao đi, chị Linh chỉ mong nhận về được 1 nụ cười hạnh phúc.

Tinh thần yêu thương cao cả của chị chính là động lực vững chắc nhất để duy trì căn bếp nhân văn này. Bên cạnh đó, sự giúp đỡ, ủng hộ của các mạnh thường quân là tổ chức, cá nhân trên toàn địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cũng đã giúp bếp ăn có thêm nguồn lực tiếp tục nấu và trao tay các con.

Dựa trên tinh thần phụng sự xã hội làm nòng cốt cho sự phát triển, Du Học Á – Âu luôn đề cao công tác thiện nguyện, đóng góp sức lực vào những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của xã hội. 24 năm qua, Du Học Á – Âu với biết bao chuyến đi đến những vùng sâu vùng xa để quyên góp cho đồng bào ta về mặt vật chất lẫn tinh thần. 

Ngày hôm nay, chúng tôi đã có buổi đến thăm và trao tặng các nhu yếu phẩm và tiền mặt cho căn bếp 0 đồng của chị Linh. Đội ngũ chúng tôi được dịp lắng nghe câu chuyện cảm động đằng sau căn bếp từ chị, rồi những hoàn cảnh chị gặp phải trong suốt 6 năm mở bếp, để chúng tôi càng thêm khâm phục và biết ơn một người phụ nữ với đôi vai nhỏ gầy nhưng dám từ bỏ công việc, bỏ quê hương để trở lại Hồ Chí Minh, xây dựng bếp ăn từ thiện miễn phí cho bệnh nhân ung thư.

Chuyến đi này có quá nhiều điều làm chúng tôi phải nghẹn ngào và càng thêm trân trọng khi bản thân đang được sống một cách bình thường. Và cũng là lời nhắc nhở rằng mỗi chúng ta cần có lòng yêu thương, quan tâm để có thể giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở xã hội ngoài kia.

Nhân đây, Du Học Á – Âu cũng xin chia sẻ thông tin này đến bạn đọc cũng như các đồng nghiệp trong cùng lĩnh vực về bếp ăn 0 đồng. Địa chỉ bếp: Số 17/1, đường 10, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, TP.HCM. Bếp ăn hoạt động bởi những con người yêu thương, không sống vì mình mà vì đời, vì xã hội. Vậy nên mỗi chúng ta hãy góp phần phát huy tinh thần đó để xã hội ngày càng giàu đẹp, hạnh phúc.

Bài báo về câu chuyện đầy tình người: TẠI ĐÂY