Học bổng du học thường được coi là một phần hỗ trợ chi phí cho sinh viên, đồng thời, là “phần thưởng” cho những sinh viên có thành tích tốt. Số lượng học bổng có giới hạn và có các mức giá trị khác nhau. Có những học bổng toàn phần, gồm 100% học phí, thậm chí là cả chi phí sinh hoạt, vé máy bay khứ hồi. Cũng có những loại học bổng một phần, chỉ mang tính chất hỗ trợ học phí hoặc dành riêng cho những khu vực tuyển sinh nào đó. Dù vậy, chỉ cần là học bổng thì đều đáng quý và việc giành những suất học bổng này đều mang tính chất động viên nhất định.

Tùy vào giá trị của học bổng mà việc cạnh tranh khắc nghiệt hay đơn giản. Thông thường, các trường đại học sẽ yêu cầu bạn viết một lá thư xin học bổng gửi kèm với những giấy chứng nhận thành tích. Giấy chứng nhận thành tích cũng chỉ là những tờ giấy không hồn nếu bạn không viết được một lá thư xin việc hấp dẫn, nhiều cảm xúc và thuyết phục. Vậy, những điều gì cần lưu ý khi viết thư xin học bổng?

Bản sắc cá nhân

Hãy nhớ, có thể bạn không là số 1 nhưng bạn là duy nhất. Vì thế, lá thư xin việc cũng phải thể hiện được cá tính của bạn. Bạn có thể tham khảo từ nhiều nguồn nhưng cuối cùng thì hãy kể câu chuyện của chính bạn, bằng cách thể hiện và diễn đạt của chính bạn. Giữa vô số những ứng viên, hãy thể hiện sự khác biệt của bản thân để không bị chìm giữa đám đông. Đừng lo lắng về cách nhìn nhận của số đông, mỗi người khi sinh ra đều có những đặc điểm không hoàn toàn giống bất cứ ai cả. Thể hiện những khả năng, tính cách độc đáo của bạn chính là cách giúp bạn nổi bật nhất.

Trung thực

Đánh bóng bản thân một chút, chú trọng vào những điểm mạnh của bản thân… thì không sao cả. Tuy nhiên, hãy nhớ luôn trung thực. Bạn có thể viết 99% sự thật nhưng chỉ 1 chi tiết dối trá thôi cũng có thể khiến toàn bộ công sức của bạn đổ sông đổ biển. Sự thật, bản thân nó đã mang vẻ đẹp. Vì vậy, hãy kể câu chuyện của bạn bằng thái độ trung thực và cầu thị. Hãy nhớ những người xét duyệt thư xin học bổng của bạn đều dày dạn kinh nghiệm, chẳng “mánh khóe” hay “chiêu trò” nào có thể qua mắt họ.

Ấn tượng và sáng tạo

Nói sự thật nhưng không có nghĩa là tất cả sự thật đều viết ra! Thư xin học bổng không phải là một bản thống kê thành tích bản thân hay kể lể tiểu sử của bạn. Bạn có thể nhắc nhớ về một vài chi tiết của thời thơ ấu nếu nó có ảnh hưởng sâu đậm đến bạn, tác động đến việc hình thành tính cách hay trở thành động lực khiến bạn sáng tạo nên một cái gì đó, tạo nên những thành tích ấn tượng. Bạn có thể miêu tả chi tiết về quá trình bạn sáng tạo nên một sản phẩm nếu nó có thể cho người đọc thấy được: tính cách của bạn, khả năng của bạn, niềm đam mê của bạn, trí tuệ của bạn, các mối quan hệ của bạn… Tức là hãy nói những chuyện có liên quan và hãy kể chuyện một cách thông minh. Tốt nhất là như vậy, vì người xét học bổng sẽ phải chọn bạn giữa rất nhiều người và họ cũng không có quá nhiều thời gian để đọc những thứ dài dòng và tẻ nhạt đâu.

Thêm vào đó, tại sao không nghĩ đến những cách thể hiên mới lạ. Chẳng hạn như trong khi tất cả mọi người đều dùng những con chữ nhàm chán thì bạn có thể thêm vào đó bằng một vài hình ảnh, hay thậm chí là những đoạn video tự quay một cách ấn tượng? Tất nhiên, những sáng tạo này vẫn nên nằm trong giới hạn cho phép, đừng quá đà để trở thành “phạm quy” nhé!

Như vậy, nếu coi học bổng là những “con mồi” thì bạn phải trở thành một “thợ săn” giỏi để có thể cạnh tranh với những đối thủ còn lại. “Cuộc đua” này không đơn giản nhưng rất thú vị phải không nào? Dù kết quả ra sao thì hẳn bạn cũng chứng tỏ được phần nào đó những khả năng tuyệt vời trong con người mình. Trong “cuộc đua” đầu tiên đến với trường đại học mơ ước, chúc bạn có được những trải nghiệm thú vị và bổ ích!

>> Lê Hà Thanh Thanh – đạt học bổng toàn phần ngay lần đầu tiên nộp đơn.

error
fb-share-icon

Tweet

fb-share-icon